Câu chuyện ly hôn nghìn tỷ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo dù đã qua mấy năm, nhưng vẫn là chủ đề được rất nhiều người quan tâm. Đặc biệt là thương hiệu cà phê Trung Nguyên của ông Vũ và cà phê King Coffee của bà Thảo vẫn đang được người dùng ưa thích, liên tục phát triển. Do vậy mỗi khi có câu chuyện mới về một trong 2 vị doanh nhân nổi tiếng này, câu chuyện về vụ ly hôn lại được nhắc lại.
Mới đây, một số dự án của Trung Nguyên bị xem xét thu hồi, trong đó có cả những dự án nhỏ tổng mức đầu tư tính bằng mấy chục tỷ đồng, cũng có dự án lớn hàng nghìn tỷ đồng như Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh. Dự án này được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận đầu tư từ năm 2016 với tổng vốn đầu tư gần 2.800 tỉ đồng.
Câu chuyện dự án bị thu hồi một lần nữa lại khiến những người quan tâm nhìn lại khối tài sản nghìn tỷ sau ly hôn mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhận được. Câu hỏi được đặt ra, không phải là “liệu Trung Nguyên đã cạn tiền”, bởi nhìn vào hình ảnh phát triển của Trung Nguyên, nhìn vào thú vui xa xỉ với dàn xe sang có một không hai của ông Vũ, thì câu hỏi này không khả thi. Câu hỏi nhiều người đang hướg tới là “liệu ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang tính toán gì?”.
Tại sao ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhận được nhận đến 60% giá trị tài sản?
Bỏ qua câu chuyện đó, quay lại vụ ly hôn nghìn tỷ. Kết luận phân chia tài sản cuối cùng sau vụ ly hôn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhận toàn bộ số cổ phần mà ông Vũ và bà Thảo sở hữu tại hệ thống Trung Nguyên. Bà Thảo không được nhận cổ phần nào, thay vào đó nhận bất động sản, tiền, vàng, ngoại tệ và phần chênh lệch giá trị cổ phần ông Vũ chuyển sang.
Tại sao bà Thảo không được nhận cổ phần nào dù trong yêu cầu phân chia tài sản của bà Thảo có yêu cầu chia tài sản “bằng hiện vật” với ý nghĩa được hiểu là bao gồm cả cổ phần tại hệ thống Trung Nguyên? Câu trả lời nằm ở phán quyết của Tòa án nhân dân tối cao, theo quyết định Giám đốc thẩm.
Phán quyết cho rằng các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện tài sản chung của ông Vũ, bà Thảo có được là do lợi nhuận từ hoạt động đầu tư kinh doanh tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên. Nguồn gốc Tập đoàn Trung Nguyên là do ông Đặng Lê Nguyên Vũ cùng với cha mẹ của ông đã sáng lập ra từ năm 1996; đến năm 1998 ông Vũ và bà Thảo mới kết hôn.
Năm 2006, bà Th mới bắt đầu tham gia vào Công ty cổ phần cà phê TN với số vốn góp là 10%. Phía bên bà Thảo cũng thừa nhận không có chứng cứ chứng minh bà Thảo đưa tiền cho ông Vũ để lập nghiệp. Qua các giai đoạn phát triển của Tập đoàn Trung Nguyên, ông Vũ luôn giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty.
Về nguyên tắc chung thì công sức đóng góp của bà Thảo và ông Vũ vào khối tài sản chung là tương đương. Tuy nhiên, xét về nguồn gốc hình thành tài sản, thì có cơ sở xác định Tập đoàn Trung Nguyên được hình thành trước khi ông Vũ và bà Thảo kết hôn. Do đó, Tòa án các cấp xác định ông Vũ có đóng góp công sức nhiều hơn và chia cho ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo được hưởng 40% giá trị tài sản chung.
Vậy tại sao bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhận 40% nhưng không phải là được nhận cổ phần?
Trong đơn gửi, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đề nghị được chia cổ phần trong các công ty bằng hiện vật (tỷ lệ cổ phần) để bà cùng được quản lý các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
Tuy vậy phán quyết cho rằng trong quá trình giải quyết vụ án, qua các đơn trình bày ý kiến, cho thấy mâu thuẫn vợ chồng dẫn đến phải ly hôn xuất phát chủ yếu từ sự bất đồng trong việc điều hành Tập đoàn Trung Nguyên và các Công ty trực thuộc: ông Vũ và bà Thảo có những định hướng kinh doanh khác biệt.
Từ khi xảy ra mâu thuẫn, giữa bà Thảo với ông Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên đã phát sinh nhiều vụ kiện dân sự và kinh doanh, thương mại. Tòa án đã ban hành 11 Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Mâu thuẫn của bà Thảo không chỉ với riêng ông Vũ, mà còn cả các cổ đông khác của Tập đoàn Trung Nguyên.
Phán quyết của tòa án cho rằng nếu để bà Thảo tiếp tục là cổ đông và cùng quản lý điều hành các Công ty của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ dẫn đến những khó khăn cho sự tồn tại, ổn định và phát triển của Tập đoàn, ảnh hưởng lớn tới sự ổn định, việc làm cho hàng ngàn công nhân đang hoạt động sản xuất tại các Công ty của Tập đoàn.
Người đại diện theo ủy quyền của các Công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên đều nhất trí với việc giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần tại các Công ty thuộc Tập Trung Nguyên.
Phán quyết của tòa án cũng cho rằng việc giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần tại các Công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên không hạn chế quyền tham gia hoạt động kinh doanh của bà Thảo bởi lẽ với phần giá trị tài sản chung được chia, bà Thảo hoàn toàn có đủ điều kiện thực hiện hoạt động kinh doanh. Trên thực tế, bà Th vẫn đang tham gia hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt phán quyết còn nêu rõ, trong vụ án cụ thể này, việc bảo vệ thương hiệu quốc gia cà phê Trung Nguyên là cần thiết và để đảm bảo cho hoạt động của các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên được ổn định. Đây là lý do chính khiến Tòa án cấp phúc thẩm thống nhất giao cho ông Vũ được sở hữu toàn bộ cổ phần tại 07 công ty của Tập đoàn Trung Nguyên.
Trung Nguyên dưới tay ông Vũ và King Coffee dưới tay bà Thảo phát triển ra sao
Trung Nguyên từ 2019 sau khi bắt đầu vụ ly hôn nghìn tỷ, đến năm 2021 sau khi phán quyết phúc thẩm được công bố, và đến nay vẫn phát triển tốt. Hai không gian cà phê Trung Nguyên đang được người dùng yêu thích là Trung Nguyên Legend và Trung Nguyên E-Coffee.
Không gian Trung Nguyên Legend là điểm hẹn lý tưởng của những người yêu và đam mê cà phê. Những sản phẩm cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend được tạo nên từ nguồn nguyên liệu tốt nhất thế giới, kết hợp với bí quyết huyền bí Phương Đông và công nghệ rang xay hiện đại hàng đầu thế giới, cùng với tình yêu và niềm đam mê của các chuyên gia cà phê số 1.
Trung Nguyên E-Coffee là chuỗi cửa hàng bán lẻ thế giới cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên Legend – nơi hội tụ tinh hoa của 3 nền văn minh cà phê: Ottoman – Roman – Thiền được ra mắt từ tháng 8/2019.
Ngay từ khi ra đời, Trung Nguyên E-Coffee nhanh chóng tạo nên một làn sóng bùng nổ nhượng quyền mạnh mẽ, trở thành sự lựa chọn số 1 của hơn 1.000 đối tác và hiện diện trên toàn quốc. Trung Nguyên E-Coffee được xem là một giải pháp tối ưu cho cộng đồng kinh doanh, khởi nghiệp với cà phê, từ nhân viên văn phòng, chủ cửa tiệm tạp hoá – quán cà phê truyền thống, sinh viên, các công ty trong lĩnh vực nhượng quyền, ẩm thực, du lịch, vận tải, bản lẻ… đều có thể tham gia hợp tác.
King Coffee TNI – Trung Nguyên International có trụ sở tại Singapore được bà Lê Hoàng Diệp Thảo, thành lập từ năm 2008. Hiện nay, trụ sở chính của Trung Nguyên International đặt tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 10/2016, Trung Nguyên International lần đầu tiên ra mắt thương hiệu cà phê cao cấp King Coffee tại Hoa Kỳ. Chỉ sau vài tháng, thương hiệu này đã làm nên kỳ tích khi nhanh chóng chinh phục thị trường Hoa Kỳ và nhiều thị trường nước ngoài khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Úc, Ấn Độ… Tháng 7.2017 King Coffee chính thức quay về Việt Nam, và đã có mặt tại 64 tỉnh thành trên toàn quốc.
Thành công của King Coffee đến từ chính chất lượng sản phẩm với các hạt cà phê được tuyển chọn cẩn trọng và công phu từ những vùng nguyên liệu cà phê nổi tiếng như Ethiopia, Brazil, Colombia, Guatemala,… và đặc biệt là robusta từ thủ phủ cà phê của Việt Nam – Buôn Ma Thuột, Arabica của vùng Cầu Đất (Lâm Đồng). Chính nguyên liệu tốt nhất cùng với phương pháp bí truyền phương Đông đã làm nên thương hiệu King Cofffee – Vua cà phê Việt.
Các sản phẩm King Coffee trải rộng từ hòa tan (King Coffee 3in1, Pure Black, Coffee & Creamer, Espresso) cho nhu cầu tiết kiệm thời gian của nhịp sống hiện đại, rang xay (Gourmet Blend, Inspire Blend, Premium Blend) phục vụ cho nhu cầu chuẩn gout, Whole Bean phục vụ cà phê nguyên bản và các dòng cà phê Luxury như Weasel, Legacy, Golden, Capsules mới đẳng cấp…