Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ lên núi ở ẩn, tự xưng là “Qua”
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên có lẽ là vị đại gia “ở ẩn” nhưng nhận được nhiều sự chú ý nhất.
Vào cuối năm 2013, ông Đặng Lê Nguyên Vũ khiến công chúng ngỡ ngàng khi đã nhịn ăn, ngồi thiền 49 ngày với 1 nhóm gần chục người tại núi M’drăk, Đăk Lăk. Đáng nói sự xuất hiện của vua cà phê với diện mạo như 1 tu sĩ, tự xưng là “Qua”, rồi gọi mọi người là “người anh em” đã khiến nhiều người không khỏi lạ lẫm và thắc mắc.
Chia sẻ với báo chí vào thời điểm ấy, ông Vũ cho biết, ông cần một khoảng thời gian tịnh tâm, thiền và nhịn ăn để tinh thần minh mẫn, nghĩ những việc lớn. Thực phẩm duy nhất của cuộc “trường chinh” này chỉ là món nước mè đen. Năm 2014, nói về chuyện này, bà Lê Hoàng Diệp Thảo (khi đó đang là vợ ông Vũ) cho hay, sau khi kết thúc 49 ngày thiền định và nhịn ăn tại trang trại M’dărk, ông Vũ có những biến đổi bất thường về sức khỏe, dẫn đến nhiều biến cố trong gia đình và nội bộ doanh nghiệp. Kể từ thời điểm này, ông Vũ rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng, ở công ty và gia đình.
Sau 5 năm lên “núi thiêng M’dărk” thiền định, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ có mặt ở sự kiện kỷ niệm thành lập 22 năm Tập đoàn Trung Nguyên và ra mắt hệ sản phẩm cà phê mới (2018), ông chủ Trung Nguyên ăn vận như một tu sĩ, mặc áo dài đen, quần lĩnh trắng rộng, cổ quấn khăn rằn. Với phong thái tay chắp lưng cùng cách xưng hô “Qua” và “người anh em”, ông khiến nhiều người ngỡ ngàng khi khẳng định đã có lời giải cho tất cả câu hỏi trên thế giới, đồng thời sẽ đưa Trung Nguyên trở thành tập đoàn thống lĩnh toàn cầu, khác biệt và duy nhất toàn cầu.
Trong vụ tranh chấp tài sản, bà Lê Hoàng Diệp Thảo – vợ ông Vũ không ít lần bày tỏ nỗi lao tâm khổ tứ nghĩ kế sách “cứu Trung Nguyên, cứu gia đình, cứu anh Vũ”, ngược lại, ông Vũ chọn cách giữ im lặng trong thời gian dài, cho đến khi tổ chức một cuộc gặp báo giới kéo dài tới 4 tiếng. Tại cuộc gặp này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định sức khỏe của ông hoàn toàn bình thường.
Mới đây, hang đá mới mà ông Vũ đang trú ẩn đã được tiết lộ với truyền thông. Không gian ở của ông Vũ không hề có tivi, wifi… tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Ông hầu như không giao lưu với thế giới bên ngoài, thậm chí có khi tới vài tháng không rời khỏi trang trại.
Không ít người còn đặt ra câu hỏi “ông Đặng Lê Nguyên Vũ có bình thường không?”. Ảnh: Đặng Đại
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ hé lộ cách quản lý doanh nghiệp khi có cuộc sống tách biệt: “Qua không bao giờ họp hành. Lâu lắm nếu cần, Qua triệu tập mọi người, nói khoảng 1 giờ rồi Qua đi. Qua nói ý này thì Qua bảo đọc cái này, đọc rồi chuẩn bị cho kỹ đi. Qua chuẩn bị hết rồi, từng yếu tố A, B, C… giống như cẩm nang ấy mà. Chịu khó đọc thì nó nhẹ, không thì nó phiền. Giờ các em cũng hiểu ý. Thế nên nó đỡ cho Qua (trong điều hành công việc), chứ không Qua đâu có yên mà ngồi như thế này”.
Ông Vũ sẽ nhắn tin cho tổ trợ lý khi muốn truyền đạt thông tin gì. Sau đó, người này sẽ truyền đạt đến bộ phận có trách nhiệm. Cách điều hành này giúp ông có thể yên tâm thông linh với đất trời ở nhà hang.
Không chỉ đi liền với tên tuổi Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ còn sở hữu cả kho siêu xe trăm tỷ nổi tiếng.
Trong một bài phỏng vấn gần đây với Thanh niên, ông Vũ tiết lộ hiện đang sở hữu khoảng 500 chiếc xe sang. Nhưng 10 năm qua ông không ngó ngàng đến những chiếc xe này. “Sau này sẽ đấu giá, giúp cho thanh niên khởi nghiệp. Những cái gì của Qua sau này nó sẽ có giá khác đi” – ông nói.
“Tới một lúc nào đó tiền không có ý nghĩa gì hết. Để làm gì đâu? Không làm gì cả. Cuộc đời một người, nếu đóng góp được cà phê triết đạo, lan toả khắp thế giới, thì đóng góp vậy cũng là nhiều rồi!”.
Đại gia Lê Phước Vũ – “tôi sẽ là một ông sư”
Ông Lê Phước Vũ hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen. Năm 2001, với số vốn tích góp trong suốt 7 năm lăn lộn, ông thành lập CTCP Tôn Hoa Sen với vốn điều lệ 30 tỷ đồng và 22 nhân viên, sản xuất các sản phẩm tấm lợp kim loại, tôn mạ màu, tôn mạ kẽm và các loại vật liệu xây dựng khác. Cho đến nay, đây là một trong những ông lớn của ngành thép Việt.
Với phương châm làm ăn “mua tận gốc, bán tận ngọn” ông Vũ đã cất công xây dựng một hệ thống phân phối để bán trực tiếp tới người dùng, điều được thị trường ghi nhận như một “độc chiêu” đúng đắn giúp công ty non trẻ của ông đứng vững và cạnh tranh sòng phẳng với nhiều “tiền bối” trong lĩnh vực này.
Ông Lê Phước Vũ không những là một doanh nhân mà còn là 1 Phật tử thấm nhuần triết lý nhà Phật. Vị đại gia đã giác ngộ, đưa triết lý nhà Phật vào cuộc sống với suy nghĩ “Sống và làm việc không phải cho mình mà là cho tất cả mọi người”.
Ông Lê Phước Vũ quy y Tam bảo ngày 9/7/2020.
Theo chia sẻ của ông Vũ, gia đình ông có truyền thống theo đạo Phật, bà nội của ông Vũ là người xuất gia từ năm 1972 theo phái khất sĩ. Sau đó ba ông cũng theo đạo Phật. Từ nhỏ ông đã sống theo tín ngưỡng gia đình. Lúc đó đạo Phật đối với ông Vũ mang tính tín ngưỡng nhiều hơn là sự tỏ ngộ tâm linh và một sự thấu hiểu, quán triệt tinh thần về tâm linh.
Năm 30 tuổi, ông Vũ quay lại với đạo Phật, bắt đầu đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi tự vấn như: Gốc rễ của thế giới đó là gì? Sự tương tác giữa con người và tâm linh là gì? Và nó tương tác qua cái gì? Sau tất cả, bản chất của thế giới tâm linh đó là gì?…
Năm 2018, ông Vũ quyết định lên núi sống thanh tịnh. Theo chia sẻ, 1 tháng ông chỉ ghé tập đoàn 2 lần, mỗi lần 2 tiếng. Đồng thời, ông Vũ còn miêu tả núi nơi mình sống như cảnh thần tiên, có suối để tắm rất đẹp.
Tháng 1/2019, vị đại gia bất ngờ xuống núi điều hành Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ tài chính 2019-2020 của tập đoàn.
Vào ngày 9/7/2020, ông đã thực hiện nghi lễ quy y Tam bảo với sự chứng minh truyền thọ của Đức Hòa thượng Đệ Tam Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ tại Chùa Viên Minh sau gần 20 năm chèo lái Tập đoàn Tôn Hoa Sen. Website của Tập đoàn Hoa Sen cũng cung cấp thông tin về việc ông Lê Phước Vũ đã tác bạch xin Đức Pháp chủ chứng minh, làm phép xuất gia cho ông.
Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen từng chia sẻ: “Tập đoàn Hoa Sen luôn có những cách đi riêng của mình không giống như những doanh nghiệp khác để phát triển bền vững, nhưng trên hết phải lấy đạo đức làm nền tảng. Tiêu chí của chúng tôi là trung thực-cộng đồng-phát triển. Riêng cá nhân tôi, tôi hạnh phúc vì có được những giá trị sống tốt, lại vừa làm được rất nhiều việc để giúp mọi người. Đạo Phật có câu, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn”.
Trong ĐHĐCĐ của Tập đoàn Hoa Sen vào tháng 3 vừa qua, ông Vũ nhắc lại tuyên bố rút khỏi Hoa Sen để xuất gia vào năm 2026 được chia sẻ lần đầu cách đây hai năm. Đó là ước mơ từ năm 30 tuổi của ông, không gì có thể lay chuyển và đã mua đất, xây chùa ở Lâm Đồng để chuẩn bị cho kế hoạch này: “4 năm nữa, tôi sẽ là một ông sư. Tôi phải giữ đúng giới luật của Phật là vô sở hữu…”
Về tài sản sau khi xuất gia, ông cho biết sẽ chuyển toàn bộ cổ phiếu đứng tên mình vào một quỹ phi lợi nhuận mang tên Đại Tùng Lâm Hoa Sen. Với hơn 104 triệu cổ phiếu HSG ông Vũ đang nắm giữ, khối tài sản này theo giá thị trường khoảng 1.800 tỷ đồng.
Người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen nói rằng ông sẽ là chủ tịch danh dự của quỹ phi lợi nhuận này và tuyên bố: “Tôi không để lại tài sản cho con cháu bởi muốn chúng hiểu việc kiếm được đồng tiền phải đổ mồ hôi nước mắt thế nào mà biết quý trọng, biết đồng cảm với người nghèo kẻ khổ”.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và những câu nói “đắt giá” sau biến cố hôn nhân với ông Đặng Lê Nguyên Vũ