Dòng họ Nguyễn Cảnh có lịch sử hơn 600 năm, được đánh giá là một trong những dòng họ có nhiều đóng góp cho đất nước. Họ Nguyễn Cảnh đã trải qua 25 đời, có rất nhiều cái tên lừng lẫy trên những phương diện khác nhau. Không quá nếu nói đây là dòng họ văn võ song toàn nhất Việt Nam. Đầu tiên là đời tiền nhân với Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị là danh tướng có công chống giặc Minh, đến nay là đời hậu bối với những doanh nhân góp phần làm giàu đất nước.
Đời ông cha lẫy lừng
Thủy tổ của dòng họ Nguyễn Cảnh có từ cách đây hơn 600 năm, chính là danh tướng Nguyễn Cảnh Chân (1355 – 1409). Vào thời Hậu Trần, ông cùng Đặng Tất đại phá chống quân Minh xâm lược, tiếng tăm lẫy lừng. Trong một lần ra trận, Nguyễn Cảnh Chân và con trai là danh tướng Nguyễn Cảnh Dị (?-1414) đã anh dũng hy sinh. Tên của hai người sau này được lấy đặt cho hai con đường tại Hà Nội.
Đến thời Lê Trung Hưng, họ Nguyễn Cảnh tiếp tục sản sinh ra những nhân tài cho đất nước, nối tiếp nhau làm quan, làm tướng trong triều đình. Có thể kể đến như Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Cảnh Kiên, Nguyễn Cảnh Hà, Nguyễn Cảnh Quế, Nguyễn Cảnh Diễn, Nguyễn Cảnh Quýnh. Tất cả đều được lịch sử vinh danh, trong đó Cảnh Diễn, Cảnh Quýnh còn có tên trong bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử giám.
Đời con cháu rực rỡ
Không chỉ có đóng góp trong lịch sử, ở thời đại ngày nay, họ Nguyễn Cảnh tiếp tục cống hiến rất nhiều cho đất nước. Viện sử học Việt Nam từng tổ chức riêng hội thảo để tìm hiểu, đánh giá văn hóa – lịch sử và những đóng góp của dòng họ này cho đất nước. Đời con cháu của họ Nguyễn Cảnh từng nắm giữ những vị trí trọng yếu trong bộ máy nhà nước.
Trong đó có ông Nguyễn Cảnh Dinh (1934) từng là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 5, 6, 7, 8; Đại biểu Quốc hội các khóa 7, 8, 9, 10. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Thủy lợi, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
Cùng thời với ông Nguyễn Cảnh Dinh có Giáo sư Toán học Nguyễn Cảnh Toàn (1926 – 2017). Từng theo học ở Quốc học Huế và tốt nghiệp tú tài năm 1944, ông Cảnh Toàn sau đó đỗ Đại học Khoa học ở Hà Nội và lấy chứng chỉ Toán đại cương. Vị giáo sư này từng là Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, Thứ trưởng Giáo dục Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Toán học và Tuổi Trẻ trong hơn 40 năm. Tại Trung tâm tiểu sử danh nhân Mỹ còn đặc biệt tôn vinh ông là một trong những trí tuệ lớn nhất của thế kỷ 20.
Đến nay, họ Nguyễn Cảnh tiếp tục làm rạng danh dòng họ, cống hiến cho nền kinh tế đất nước. Nhiều người sẽ phải giật mình khi biết họ đều là những doanh nhân lừng lẫy, ông chủ của các doanh nghiệp lớn.
Trước hết, có thể nói đến ông Nguyễn Cảnh Bình – Nhà sáng lập, CEO Alpha Books. Là cử nhân Đại học Bách Khoa nhưng lại theo đuổi con đường làm sách, vị doanh nhân này gây dựng nên một công ty tiếng tăm cả nước, trở thành đơn vị xuất bản lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Tiếp đến là Nguyễn Cảnh Sơn, Nguyễn Cảnh Hồng. Hai anh em doanh nhân này khá kín tiếng nhưng là cái tên đứng sau sự thành công của tập đoàn Eurowindow Holding. Ông Cảnh Sơn hiện là Chủ tịch, còn em trai Cảnh Hồng là Tổng giám đốc.
Eurowindow Holding hiện tại là công ty sản xuất nhựa hàng đầu Việt Nam. Là một tập đoàn đa ngành, sở hữu, chi phối hàng loạt doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như cửa sổ nhựa, bất động sản, thương mại, xây dựng.
Ông Cảnh Sơn còn là Chủ tịch CTCP Chứng khoán EuroCapital, Phó Chủ tịch Techcombank, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Ông Cảnh Hồng cũng có cổ phần lớn ở Eurowindow Holding, ngân hàng Techcombank và CTCK EuroCapital.
Cuối cùng, không thể không nói đến nữ tỷ phú tiếng tăm Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam khởi nghiệp và điều hành hãng hàng không thương mại của riêng mình. Sở hữu khối tài sản lên đến 2,5 tỷ USD, Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam, nữ tỷ phú tự thân giàu có nhất Đông Nam Á. Năm 2019, bà Thảo cũng là nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn.